Khi con còn nhỏ, bố mẹ có thể giúp con có được ý niệm và hình dung về các vấn đề tài chính thông qua những trò chơi. Hầu hết em bé nào cũng thích chơi đồ hàng, mua bán đồ dùng hay món ăn... Tùy vào đồ tuổi của trẻ, bố mẹ có thể dạy trẻ về tiền bạc theo cách dưới đây.
Khi con 2-3 tuổi
Với độ tuổi này, trẻ sẽ chưa thể hiểu được về giá trị của tiền nên bài học của bố mẹ chỉ cần dừng lại ở việc giúp con nhận biết sự khác nhau giữa các tờ tiền (màu sắc, kích thước) và gọi tên chúng. Đó là lời khuyên của Tiến sĩ giáo dục Dorothy Singer tại đại học Yale (Mỹ).
Bố mẹ cũng có thể tổ chức trò chơi cho trẻ như: Hãy tưởng tượng phòng khách nhà mình là một cửa hàng rồi chơi trò mua bán. Bố mẹ muốn mua một đồ dùng nào đó thì sẽ đưa cho bé một tờ tiền. Mỗi lần mua đưa một tờ tiền khác nhau, tương ứng với từng món đồ. Đây là cách để cho bé biết về hoạt động thương mại đơn giản. Khi bé đã bắt đầu chú ý và quan tâm tới việc này nhiều hơn, hãy đưa bé đi mua hàng cùng mình để con được trực tiếp quan sát.
Khi con 4-5 tuổi
Trước khi đi siêu thị, bố mẹ có thể nhờ bé cắt các tờ phiếu giảm giá (tất nhiên là phải cho bé sử dụng loại kéo an toàn). Rồi khi vào siêu thị, bố mẹ hãy cho bé đưa tờ phiếu đó cho nhân viên thu nhân và nhận hàng. Bé sẽ cảm thấy hào hứng với công việc này, giống như là đang giúp đỡ bố mẹ vậy. Đây là lời khuyên của Neale S. Godfrey, người sáng lập ra mạng tài chính cho trẻ em ở Chester (Children's Financial Network in Chester).
Ngoài ra, bố mẹ vẫn có thể cùng con chơi trò chơi nhà hàng ở lứa tuổi này. Nó giúp trẻ phát triển nhiều kỹ năng như sắp xếp bàn ghế, học cách cư xử tốt và tạo ra sự thay đổi. Sau mỗi bữa ăn, bố mẹ có thể nhắc bé thanh toán hóa đơn và đóng vai như một người thu ngân...
Khi con 6-8 tuổi
Đối với những khoản tiền con được cho (tặng) như tiền mừng tuổi, mừng sinh nhật... bố mẹ nên giữ lại và tạo cho con một tài khoản ngân hàng hoặc bỏ lợn tiết kiệm. Nếu gửi ngân hàng, bố mẹ hãy đưa con đi cùng và từ đó khuyến khích con thường xuyên tiết kiệm. Với những trẻ phát triển nhận thức tốt, bố mẹ có thể giải thích cho con các khái niệm về quyền lợi tiết kiệm của ngân hàng... Đây cũng là độ tuổi để bố mẹ khuyến khích con tiết kiệm cho các sở thích cá nhân, khơi dậy đam mê sau này của trẻ.
Một cách để dạy cho con biết so sánh khi mua sắm là cùng con đọc giá của sản phẩm khi đi mua hàng, lưu ý với con về kích thước, mức giá, số lượng và chất lượng. Ví dụ, mỗi tuần bố mẹ cùng con mua một loại khăn giấy khác nhau với giá tương đương hoặc không chênh lệch nhiều và hỏi con về chất lượng, sở thích... Sau đó, hãy để con quyết định lựa chọn sản phẩm nào ưng ý.
Người Mỹ thường mở Garage sale vào cuối tuần, bán những thứ không dùng đến và đây cũng là cách để bố mẹ hướng dẫn con tham gia vào hoạt động tài chính. Họ thậm chí còn để con phụ trách trong mỗi lần như thế, cho phép con lên kế hoạch và tự sắp xếp đồ đạc trong nhà, tìm món đồ thừa làm hàng hóa đem bán.
Khi con 13-15 tuổi
Ở các nước Anh, Mỹ... khi trẻ bước vào tuổi thiếu niên cũng là lúc được bố mẹ hướng dẫn tìm hiểu về thị trường chứng khoán. Nếu con đã biết những lý thuyết cơ bản rồi, bố mẹ lại tạo cơ hội thực hành cho con bằng cách yêu cầu mỗi thành viên trong nhà chọn một loại cổ phiếu và đầu tư vào các công ty quen thuộc với con như Disney hay Mattel. Hàng ngày, bố mẹ khuyến khích con đọc báo, xem tin tức chứng khoán và thảo luận cùng nhau về giá trị các cổ phiếu, sự lựa chọn khi có dao động.
Những khoản tiền cần trợ cấp cho con ở tuổi này rất tốn kém, từ tiền mua dụng cụ học tập, tiền ăn uống, vui chơi... Vì thế, bố mẹ nên thảo luận với con về sự khác biệt giữa mong muốn với nhu cầu để con biết chi tiêu vào khoản nào hơn. Tác giả Pearl chia sẻ: "Tôi gọi hai điều này là khoai tây và nước sốt. Khoai tây là thực phẩm chúng ta cần để tồn tại. Còn nước sốt sẽ làm cho món ăn ngon hơn nhưng không có cũng chẳng sao". Với ý tưởng này, bố mẹ sẽ giúp con biết cách cân đối giữa ngân sách với nhu cầu và mong muốn của gia đình.
Khi con từ 16 tuổi trở lên
Các loại thẻ như Visa, ATM... là công cụ đơn giản mà cha mẹ có thể đưa cho con để dạy chúng về bài học tài chính. Bố mẹ có thể cho phép con được trực tiếp sử dụng thẻ (tiền mặt) chi dùng hàng ngày với số tiền cố định mỗi tháng (hoặc cả năm) để con tự xoay sở. Ngoài ra, bố mẹ nên khuyến khích con tham gia các hoạt động từ thiện hoặc hỗ trợ con tự tổ chức hoạt động từ thiện. Đó là cách để dạy con về trách nhiệm xã hội, cách kiếm tiền và tiêu tiền ý nghĩa.
Song Giang
0 Nhận xét